Các bộ phận chính của một hệ thống khí nén

2/5 - (5 bình chọn)

Khi quan sát các hệ thống khí nén, bạn thường sẽ thấy rất ít hệ thống khí nén chỉ sử dụng nguyên máy nén khí. Nó thường sẽ đi kèm các thiết bị phụ trợ đằng sau nữa. Vậy, nhìn vào một hệ thống khí nén đầy đủ, chúng ta thường sẽ thấy:

– Máy nén khí

– Máy sấy khí

– Các bộ lọc khí (lắp trên đường ống)

– Bình chứa khí

– Bộ xả nước tự động

Ngoài ra, một số hệ thống sẽ có thêm các thiết bị như bộ làm mát After cooler, bộ điều khiển trung tâm (áp dụng với những hệ thống khí nén có từ 2 máy nén khí trở lên),…

Tại sao chúng ta cần có những thiết bị đi kèm này?

Câu trả lời là: chúng ta cần các thiết bị phụ trợ đằng sau để xử lý khí nén đầu ra sạch và khô, đáp ứng được nhu cầu sử dụng khí nén của từng ứng dụng. Chúng tôi sẽ cùng bạn phân tích kỹ về từng bộ phận của một hệ thống khí nén.

1. MÁY NÉN KHÍ

Chúng ta cần máy nén khí để tạo ra khí nén. Tuy nhiên, có rất nhiều loại máy nén khí, kích cỡ. Làm thế nào để lựa chọn được một loại máy nén khí phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của chúng ta? Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong một bài viết khác.

Còn trong bài viết này, bạn chỉ cần hiểu chúng ta sử dụng máy nén khí là để tạo ra khí nén.

2. MÁY SẤY KHÍ

Không khí trong môi trường xung quanh chúng ta có chứa rất nhiều nước. Sau khi ra khỏi máy nén khí, lượng nước này vẫn còn rất nhiều. Nó cần được đi qua các thiết bị xử lý khí phía sau máy nén khí để loại bỏ nước.

Các thiết bị loại bỏ nước bao gồm: bình chứa khí, các bẫy nước, bộ lọc và máy sấy khí. Trong đó, máy sấy khí giúp loại bỏ lượng nước lớn nhất cho toàn bộ hệ thống khí nén. Nó có khả năng loại bỏ lên đến 90% lượng nước toàn hệ thống.

Khí nén sau khi đi qua máy sấy khí, nó sẽ được làm lạnh đến một nhiệt độ điểm sương, nước sẽ ngưng tụ lại thành các giọt li ti và loại bỏ ra ngoài qua các bộ bẫy nước hay còn gọi là bộ van xả nước tự động.

Đó là lý do chúng ta cần một chiếc máy sấy khí.

3. CÁC BỘ LỌC KHÍ LẮP TRÊN ĐƯỜNG ỐNG

Trong quá trình nén khí, hỗn hợp dầu và khí được trộn lẫn với nhau. Sau đó, dầu được giữ lại còn khí nén đi ra ngoài theo đường ống dẫn khí ra.

Tuy nhiên, khí đi ra khỏi máy nén khí lúc này sẽ không hoàn toàn sạch hết hơi dầu (đối với các máy nén khí loại có dầu).

Thêm nữa, trong khí nén vẫn còn rất nhiều các tạp chất như bụi bẩn, các hạt rắn và các chất ô nhiễm. Do đó, chúng ta cần các thiết bị lọc đường ống để loại bỏ các tạp chất và hơi dầu này để khí nén trước khi đi vào sử dụng sạch.

4. BÌNH CHỨA KHÍ

Bình chứa khí làm hai nhiệm vụ chính:

– Thứ nhất, nó giúp ổn định khí sử dụng cho toàn hệ thống.

– Thứ hai, loại bỏ một lượng nước lớn có trong khí nén. Khí nén qua bình cũng sẽ ngưng tụ được một lượng nước và nó sẽ được xả ra ngoài bằng tay hoặc bằng các bộ van xả nước tự động.

Dưới đây là hình ảnh một chiếc bình chứa khí được chúng tôi mở van xả tay, rất nhiều nước được xả ra ngoài:

5. BỘ XẢ NƯỚC TỰ ĐỘNG

Bộ xả nước tự động thường được lắp kèm theo máy nén khí, máy sấy khí, bình tích áp hoặc dưới các bộ lọc đường ống để khi nước được ngưng tụ thì sẽ loại bỏ ra ngoài thông qua các bộ bẫy nước.

Bộ bẫy nước có hai dạng: dạng điện và dạng cơ. Dạng điện hoạt động theo nguyên tắc cài đặt thời gian xả và khi đến thời gian cài đặt thì nước dù đầy hoặc chưa, van sẽ được xả. Còn loại van xả nước cơ hoạt động theo nguyên lý, khi nước đầy, phao sẽ nổi lên và nước tự động xả ra ngoài.

6. BỘ ĐIỀU KHIỂN TRUNG TÂM

Bộ điều khiển trung tâm thường chỉ thấy trong những hệ thống khí nén sử dụng nhiều hơn một máy nén khí. Đặc biệt là các hệ thống sử dụng nhiều máy nén khí thì hầu hết đều lắp thêm bộ điều khiển trung tâm.

Bộ điều khiển trung tâm này sẽ hoạt động theo nguyên tắc cài đặt của từng hệ thống. Chẳng hạn như cài đặt các máy nén khí chạy luân phiên nhau. Hoặc một vài máy chạy liên tục, nếu thiếu khí sẽ huy động thêm máy chạy bù.

Tất cả các thiết bị này tạo thành một hệ thống khí nén. Để đơn giản nhất bạn chỉ cần nhớ, một hệ thống khí nén luôn gồm máy nén khí (để tạo khí nén) còn các thiết bị phía sau máy nén khí là để xử lý khí sạch và khô.

=> Bài tiếp theo: Chi phí đầu tư và vận hành một hệ thống khí nén

=> Quay lại bài đầu tiên: Tìm hiểu hệ thống khí nén công nghiệp từ A đến Z

Bài viết liên quan